MXH GAPO là gì? GAPO với Facebook cái nào dùng “sướng” hơn?

Cuối tháng 07/2019 cộng đồng mạng bắt đầu xôn xao về sự ra đời của mạng xã hội mới GAPO, đây được ví như Facebook của người Việt Nam. Chỉ sau 1 tuần ra mắt, đã có hàng chục nghìn tài khoản đăng ký. Cũng trong những ngày đầu chạy thử nghiệm, có một số lỗi phát sinh được người sử dụng phản ánh lại. Đến nay (26/07) phiên bản ứng dụng di động đã chạy ổn, tuy nhiên phiên bản web vẫn đang đóng cửa bảo trì. Trong nội dung bài viết này tôi xin đưa ra một số đánh giá về mạng xã hội GAPO

MXH GAPO là gì? GAPO với Facebook cái nào dùng

Mạng xã hội Gapo là gì?

GAPO là mạng xã hội được phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ Gapo – thành viên của Công ty cổ phần tập đoàn G-GROUP. MXH GAPO sử màu xanh lá mạ làm tông màu chủ đạo. Giao diện trực quan dễ sử dụng và rất nhiều tính năng, tiện ích cho người dùng. GAPO có 2 phiên bản: Ứng dụng di động và phiên bản trên nền tảng website gapo.vn. Hiện tại, người dùng có thể tải ứng dụng GAPO trên di động chạy trên nền tảng IOS và Android.

Gapo sử dụng màu xanh lá mạ làm tông màu chủ đạo tạo cho người dùng cảm giác tươi trẻ, tràn đầy năng lượng và cũng không gây cảm giác mỏi mắt khi sử dụng lâu.

Mạng xã hội Gapo có những tính năng gì?

Một số tính năng hiện có

Đăng nhập qua Email hoặc qua tài khoản Facebook: Khi mới tải ứng dụng về máy, muốn sử dụng dịch vụ bạn phải đăng ký tài khoản, bạn có 2 lựa chọn: đăng ký qua tài khoản Email hoặc đăng ký qua tài khoản Facebook. Và một bước bắt buộc bạn phải nhập số điện thoại của mình để hoàn thành đăng ký.

Màn hình hiển thị các mục của Gapo
Màn hình hiển thị các mục của mạng xã hội Gapo

 

Nếu bạn đã và đang sử dụng Facebook thì bạn sẽ nhận ra Gapo có giao diện không khác Facebook là mấy: từ cách hiển thị tin-bài, các nút chức năng (like, share, comment, menu…đến cả dòng chữ: “Bạn đang nghĩ gì?” cũng giống nốt).

Khi sử dụng một số tính năng cơ bản: đăng bài, tải ảnh, tải video, kết bạn tôi thấy ứng dụng xử lý khá nhanh và mượt mà. Khi xem video, kết nối nhanh chóng, ít giật lag, và điều rất thích là video trên Gapo không có chèn video quảng cáo bắt buộc phải xem như Facebook, Youtube ( trong tương lai quảng cáo trên GAPO chắc chắn sẽ có nhưng chưa rõ hình thức hiển thị và thời gian hiển thị sẽ như thế nào.)

Bài Viết có 3 chế độ: Công khai, Bạn bè, Chỉ mình tôi (riêng tư) giúp người dùng có thể tùy biến hiển thị bài viết theo ý muốn. Người dùng có thể chèn ảnh, video và bài viết, nhưng tính năng chèn biểu tượng (emotion) vẫn chưa có.

Kết Bạn: mặc dù có tính năng đăng nhập qua Facebook hoặc Email nhưng hiện tại Gapo vẫn chưa lấy được dữ liệu bạn bè từ 2 nguồn này. Đề xuất kết đang ở dạng ngẫu nhiên và không có chút liên quan nào tới người dùng.

Một điểm khá hay ở Gapo đó là phần tin nhắn, chat với bạn bè được tích hợp trực tiếp vào ứng dụng chứ không phải sử dụng ứng dụng phụ như Facebook.
Phần thông tin cá nhân vẫn còn khá sơ xài khi mới chỉ có 2 chức năng: Chỉnh sửa thông tin cá nhânĐổi mật khẩu. Trong khi đó facebook lại rất chú trọng và phần cài đặt bảo mật người dùng và thông tin cá nhân với hàng loạt những mục con giúp người dùng dễ dàng tùy chỉnh theo ý muốn và lọc thông tin hiển thị trên newfeed được hiệu quả hơn.

Tất nhiên tôi không có ý chê bai mà chỉ là so sánh các tính năng. Chúng ta không thể đòi hỏi gì nhiều ở một mạng xã hội mới đang trong thời gian phát triển ban đầu và đang chạy thử nghiệm. Chắc chắn trong tương lai không xa, GAPO cũng sẽ tích hợp rất nhiều tính năng mới không kém cạnh gì Facebook, và sẽ có những tính năng vượt trội hơn. Người đại diện công ty nói rằng, mạng xã hội này được quyết định ra sớm để hiểu người dùng muốn gì. Từ đó nỗ lực hoàn thiện sản phẩm qua việc lắng nghe những phản hồi của người dùng và liên tục xây dựng thêm những tính năng mới để hỗ trợ họ mọi lúc, mọi nơi.

Những tính năng nào sẽ được áp dụng trong những bản cập nhật tiếp theo?

Hiện tại phía đại diện công ty chưa có thông tin chính thức về thời gian cũng như những tính năng nào sẽ có mặt trong bản cập nhật tiếp theo. Nhưng trong thời gian chờ đợi chúng ta hãy đoán xem Gapo sẽ được tích hợp những tính năng nào dưới đây:

  • Gọi video
  • Live stream
  • Chat nhóm
  • Cho người dùng tạo Page (Trang)
  • Cho phép người dùng tạo Group (Nhóm)
  • Tăng cường bảo mật thông tin cá nhân
  • Thêm các tính năng phụ hỗ trợ hiển thị bài viết đẹp mắt hơn
  • Cho phép người dùng cài đặt font chữ, màu sắc cho bài viết

GAPO với Facebook cái nào dùng “sướng” hơn?

Nếu trong thời điểm hiện tại để đưa ra câu trả lời tôi sẽ không ngần ngại nói: Facebook dùng “sướng” hơn nhiều. Bởi vì rất nhiều bạn bè, người thân của tôi đang sử dụng nó. Nguồn thông tin Facebook cập nhật mỗi ngày rất lớn, nội dung đa dạng, phong phú…bla…bla.
Thêm vào đó, ngay những ngày đầu mới đi vào thử nghiệm Gapo gặp phải rất nhiều vấn đề: đường truyền, sập mạng, nghi vấn sao chép chính sách bảo mật của Google… Và nhiều người dự đoán Gapo sẽ chiết yểu.

Hàng loạt những
Hàng loạt những “tin dữ” đổ về GAPO

Nhưng trong tương lai, không ai có thể đoán trước được điều gì, rất có thể Gapo sẽ chiếm thế thượng phong bởi đây là nền tảng mạng xã hội Made in Vietnam, chắc chắn chúng ta sẽ hết lòng ủng hộ và cùng nhau xây dựng cho Gapo thêm lớn mạnh hơn. Người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Một số thông tin về nhà phát triển GAPO

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần công nghệ Gapo được thành lập ngày 17/6/2019 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn G (G-Group) chiếm 35%; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên – Tổng giám đốc Gapo chiếm 30%.

G-Group được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn góp 87% vốn. Ông Tuấn sau đó đã thoái hết vốn nhưng vẫn giữ chức chủ tịch của tập đoàn này. Bên cạnh đó, ông Phùng Anh Tuấn còn được biết đến với vai trò chủ tịch và CEO chuỗi cầm đồ F88 – một công ty thành viên của G-Group. F88 hiện nằm trong danh mục đầu tư của Mekong Capital.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch G-Group. Ảnh: F88.

Hiện nay, G-Group có hơn 1.000 nhân sự và 8 công ty thành viên, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính. G-Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư 500 tỷ đồng vào Gapo cũng thuộc tập đoàn này. Ông Phùng Anh Tú (em trai ông Phùng Anh Tuấn), Tổng giám đốc G-Group là chủ tịch G-Capital.
Ngoài F88 và G-Capital, hệ sinh thái của G-Group còn bao gồm 6 công ty: Sàn kết nối tài chính Tima; Ngân hàng di động GPay; Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC); Công ty về truyền thông giải trí BEATVN; Ginnovations – công ty tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, phát triển và sản xuất các thiết bị bảo mật và GTV (tên trước đây là GameTV) – hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử, livestream, đào tạo và phát triển idol, streamer và phát hành game.

Ông Hà Trung Kiên, đồng sáng lập và CEO Gapo đang giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán G (GPay) của G-Group. Như vậy, nhiều khả năng Gapo sẽ là thành viên thứ 9 trong hệ sinh thái của tập đoàn này.
(Thông tin về công ty cổ phần công nghệ Gapo được chúng tôi trích dẫn lại từ báo Người Lao Động)

Bài Viết Nổi Bật