Khi viết bài này, tôi đứng trên phương diện 1 khách hàng và không áp đặt cái nhìn của 1 web designer vào nội dung. Nếu bạn chăm chỉ lướt web, mua hàng hay chỉ đơn thuần đọc tin tức thì bạn cũng sẽ bắt gặp không ít những thứ 1 website đang sử dụng để “câu khách” khiến bạn rất ức chế và tự nhủ: Còn lâu tao mới quay lại cái website này!
Trong nội dung bài viết này tôi xin đưa ra một vài thành phần được các website sử dụng nhiều gây ức chế cho người truy cập. Nếu khách hàng không yêu cầu, chắc chắn tôi sẽ không thêm nó vào website của họ khi bàn giao.
Popup quảng cáo (nội dung quảng cáo tự bật lên khi tải trang)
Đây là một trong những thành phần được sử dụng rất nhiều trên các website thương mại điện tử, bán lẻ…Các “ông lớn” cũng sử dụng không ít: sendo, shopee…Nhưng họ là những chuyên gia hàng đầu trong marketing, quảng bá nên họ nắm bắt rất tốt thị hiếu khách hàng. Mỗi banner quảng cáo dạng Popup được bật lên khi tải trang phải chắc chắn nội dung đủ hấp dẫn, hình ảnh đủ thu hút khách hàng để họ tò mò click vào.
Nhưng nhiều website không nắm được nguyên lý đó, họ sử dụng quảng cáo dạng popup một cách “cẩu thả”, hiển thị những nội dung không đủ hấp dẫn, hoặc website không thường xuyên cập nhật dẫn đến quảng cáo quá “đát”.
Nhiều website sử dụng quảng cáo Popup cho tất cả các trang, các bài viết mà khách click vào dẫn đến tình trạng cứ đọc một bài, hay xem 1 sản phẩm việc đầu tiên cần làm là nín thở chờ đợi cái quảng cáo đó xuất hiện và cố tìm xem nút tắt ở chỗ nào. Liệu bạn có đủ kiên nhẫn làm việc đó đến lần thứ 3, và bạn có muốn quay trở lại website đó 1 lần nào nữa hay không?
Vậy mới nói, khi kinh doanh thấu hiểu khách hàng là cả 1 nghệ thuật, và rất nhiều người vẫn không hiểu được điều đó.
Tất cả cùng ùa ra một lúc
Tất cả những gì chủ nhân của các website này mong muốn chỉ là: khách hàng có thể tương tác một cách nhanh nhất mà không phải tìm kiếm nhiều (thời gian là vàng mà). Nhưng họ lại đang làm 1 cách quá đà khiến nó trở thành hình thức ép khách hàng phải khai báo thông tin cá nhân: họ tên, email, số điện thoại..
Tất cả những người có đủ kỹ năng để sử dụng máy tính, điện thoại chắc chắn tay chân họ còn hoạt động được, mắt vẫn có thể đọc và tất nhiên khi cần liên hệ hoặc thực hiện 1 tháo tác nào đó trên website họ đều biết phải làm như thế nào và tìm nó ở đâu. Không ai dại gì mà tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân cho 1 người nào đó mà không nắm rõ được sản phẩm anh ta cung cấp tốt đến đâu, anh ta có đáng tin hay không? Thay vì tìm mọi cách ép khách hàng nhập form, nhấn nhầm vào số điện thoại…hãy tạo ra nội dung tốt, sản phẩm tốt để làm vừa lòng khách hàng.
Khung chat tự động với âm báo chói tai
Khung chat được sử dụng rất phổ biến & rất hiệu quả trong kinh doanh, tuy nhiên sử dụng làm sao cho hợp lý để không khiến khách hàng cảm thấy phiền lại là vấn đề. Rất nhiều website sử dụng chế độ tự động chat với khách hàng; cụ thể khi 1 người truy cập vào website hộp chat sẽ tự động nhảy ra với các thông điệp được cài đặt sẵn , kèm theo đó 1 là tiếng chuông thông báo rất to, liên tục. 1 lần thì không sao, chứ cứ vào 1 bài viết những nội dung đó lại được lặp đi lặp lại thì đúng là thảm họa.
Hãy tưởng tượng, nếu bạn truy cập trên di động thì nó còn tồi tệ đến mức nào. Khung chat kèm theo âm thanh chói tai choán hết màn hình và cứ thế lặp đi lặp lại..
1 Website có hàng loạt Hotline
Thông thường các website dịch vụ, bán hàng thường để 1 số hotline có thể ở bên trái hoặc bên phải web, nó trôi dọc theo nội dung, khi khách hàng có nhu cầu cần gọi tư vấn có thể nhấp vào cực kỳ tiện lợi. Tuy nhiên một số website đã tận dụng nó hơi quá đà. Họ chèn hotline bên trái, chèn bên phải, cuối trang, hiển thị nổi bật. Nhưng họ lại chưa tính đến những hotline đó hiển thị trên di động sẽ ra sao?! Trên thiết bị di động, các hotline này sẽ chiếm diện tích màn hình rất lớn, người dùng có lỡ tay là chạm nút gọi. Rất là phiền phức.
Nếu tinh tế ra, bạn chỉ cần để 1 biểu tưởng Hotline nho nhỏ, đủ để nhìn thấy, và khi khách hàng có nhu cầu họ sẽ biết làm thế nào. Không nên tận dụng nó 1 cách quá đà dễ gây hiệu quả ngược.
Ép người truy cập like, share mới xem được nội dung bị khóa
Hình thức này được rất nhiều website sử dụng, nhất là những website chia sẻ tài liệu, phần mềm. Phần tích cực: nó sẽ giúp website tiếp cận được nhiều khách hàng, bạn đọc hơn. Nhưng phần tiêu cực cũng khá nhiều: nó gây ức chế cho người dùng, không phải nội dung nào cũng có thể tùy tiện chia sẻ lên trang cá nhân.
Nếu nội dung bài viết hữu ích thì không cần dùng thủ thuật, người dùng cũng có thể tự nguyện chia sẻ chứ không cần ép buộc.